NGUYỄN TRÚC CHI

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Đổi mới và thành công trong mọi hoàn cảnh

Bài học rút ra từ "Tảng băng tan" của hai tác giả John Kotter và Holger Rathgeber:



TIẾN TRÌNH 8 BƯỚC CỦA SỰ ĐỔI MỚI THÀNH CÔNG

Chuẩn bị
1. Nhận thức được đổi mới là nhu cầu bức thiết. Hãy giúp người khác nhận ra nhu cầu đổi mới và tầm quan trọng của việc gấp rút hành động.
2. Tập họp một ban lãnh đạo. Hãy chọn ra một nhóm hùng mạnh để chỉ đạo công cuộc đổi mới. Nhóm này phải có khả năng lãnh đạo, được tín nhiệm, có khả năng tuyên truyền, có uy thế, có khả năng phân tích và nhận thức được đổi mới là nhu cầu bức thiết.

Quyết định việc phải làm
3. Khuếch trương Viễn cảnh và Chiến lược về cuộc đổi mới. Làm cho mọi người thấy rõ sau khoi đổi mới, tương lai sẽ khác ra sao so với quá khứ và làm cách nào để biến tương lai đó trở thành hiện thực.
4. Tuyên truyền đề Thông hiểu và Chấp nhận. Làm cho càng nhiều người hiểu và chấp nhận Viễn cảnh và Chiến lược càng tốt.
5. Trao quyền Hành động cho Những người khác. Tháo gỡ hết mọi chướng ngại, để những ai muốn biết Viễn cảnh đó trở thành hiện thực đều có thể làm được điều đó.
6. Tạo ra những Chiến thắng  - Trước mắt. Tạo ra những thành công cụ thể cho mọi người nhìn thấy càng sớm càng tốt.
7. Không sa sút sức chiến đấu. Thúc đẩy tiến trình nhanh hơn, mạnh hơn sau những thành công đầu tiên. Kiên quyết đi tới cùng và không ngừng đổi mới cho đến khi Viễn cánh đó trở thành hiện thực.

Xác lập cái mới
8. Tạo ra Nền Văn hóa Mới. Nắm giữ những cách làm mới, và đoan chắc những cách làm này thành công, đến khi chúng đủ mạnh để thay thế những lề thói, nếp nghĩ cũ.

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Chúng ta là ai trong thế giới này?

Bạn có bao giờ tự hỏi về mục đích và ý nghĩa cuộc sống của mình chưa? Chỉ khi nào bạn ý thức được và có khát vọng đi tìm niềm vui và hạnh phúc thật sự thì bạn mới xác định được mình là ai trong thế giới này. Một nhà hiền triết đã từng nói “Cuộc hành trình lớn nhất của một đời người là đi tìm chính bản thân mình, trải nghiệm và thử thách tất cả để tìm ra mình là ai”, hay là “tận lực tri thiên mệnh”.


Bạn sinh ra và lớn lên trong cuộc sống này chắc chắn không phải chỉ để tồn tại, hay làm cái bóng của người khác và bạn cũng chẳng bao giờ muốn mình làm nền cho bất kỳ ai. Bạn phải là chính bạn.
Bạn nên biết rằng sự tồn tại của bạn đã làm thay đổi rất nhiều điều xung quanh. Những chặng đường bạn đi qua, những công việc bạn đã và đang làm, những người bạn từng gặp, tiếp xúc hay kết bạn ắt hẳn sẽ khác đi nếu không có bạn. Bạn đã để lại một dấu ấn rất riêng trong công việc, trong tình cảm, ký ức kỷ niệm hay trong tâm hồn của họ và bạn sẽ còn tác động đến thế giới xung quanh bởi những ý tưởng, ước mơ, hoài bão và hành động cụ thể, hay đơn giản hơn là sự tồn tại của chính bạn.
Bạn có thể bận bịu với công việc hay chú tâm tới một điều nào đó trong một giai đoạn của cuộc sống, nhưng sau cùng bạn sẽ luôn thức tỉnh bởi những khát vọng, ước mơ từng có trong tiềm thức, hay đôi khi ngay từ thuở thiếu thời. Và điều này có ý nghĩa đặc biệt đối với cuộc sống của bạn. Mục đích cuộc sống có thể là điều mà mãi đến sau này, qua quá trình trải nghiệm để trưởng thành bạn mới tìm ra hay đôi khi, nó đã được định hình ngay từ những năm tháng khi bạn bắt đầu biết cảm nhận cuộc sống.


Trong cuộc sống, tất cả chúng ta đều có mối liên hệ với nhau và ít nhiều bị ảnh hưởng qua lại bởi những suy nghĩ, việc làm, quyết định của những người xung quanh, đôi khi bởi cả sự tồn tại đơn thuần của họ.

Nhận diện ra mình là ai trong thế giới này? Xác định được ý nghĩa cuộc sống của mình. Lúc đó bạn sẽ thấy rất hạnh phúc. Hàng ngày bạn sẽ làm việc với tất cả đam mê và luôn tìm thấy niềm vui trong công việc lẫn trong cuộc sống. Có như vậy, bạn mới vượt qua hết mọi trở ngại nếu có để đi đến cùng với ước mơ, hoài bão của mình.

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

Bạn đang giàu hay nghèo?




Chàng thanh niên nọ lúc nào cũng than vãn số mình không tốt, không thể giàu có được.


Một ngày, một ông lão đi qua, nhìn thấy vẻ mặt ủ ê của anh bèn hỏi:

- Chàng trai, sau trông cậu buồn thế, có việc gì không vui à?

- Cháu không hiểu tại sao cháu làm việc chăm chỉ, vất vả mà vẫn nghèo.

- Chàng trai buồn bã nói.

- Nghèo ư, cháu là một người giàu có đấy chứ.

- Chưa ai nói với cháu như vậy cả, cháu rất nghèo.

- Giả sử như ta chặt một ngón tay cái của cháu, ta trả cháu 3 đồng vàng, cháu có đồng ý không?

- Không ạ.

- Giả sử như ta chặt của cháu một bàn tay, ta trả cháu 30 đồng vàng, cháu đồng ý không?

- Không bao giờ.

- Vậy ta muốn lấy đi đôi mắt của cháu, ta trả cháu 300 đồng vàng, cháu thấy thế nào?

- Cũng không được.

- Vậy, ta trả cháu 3.000 đồng vàng để cháu trở thành một ông lão như ta, già cả, lú lẫn được không?

- Đương nhiên là không.

- Cháu muốn giàu. Vậy ta sẽ đưa cho cháu 30.000 đồng tiền vàng để lấy đi mạng sống của cháu, cháu thấy thế nào?

- Cháu cảm ơn ông! Cháu đã hiểu cháu cũng là một người giàu có.

Trong cuộc sống, rất nhiều người thường than thân trách phận mà không hiểu thực ra mình còn hạnh phúc hơn rất nhiều người khác. Bạn hãy xem:

Nếu sáng nay tỉnh dậy, cảm thấy mình khỏe mạnh, thì bạn đã hạnh phúc hơn rất nhiều người không còn cơ hội sống đến ngày mai.

Nếu bạn chưa bao giờ phải trải qua sự tàn phá của chiến tranh, sự đơn độc, lạnh lẽo trong nhà tù, chưa bị đói rét rình rập, thì bạn đã may mắn hơn 500 triệu người trên trái đất.

Nếu trong tủ lạnh nhà bạn có thức ăn, bạn có quần áo để mặc, có tiền để tiêu, thì bạn đã hạnh phúc hơn biết bao người nghèo đói vô gia cư trên thế giới.
Nếu bạn có tài khoản trong ngân hàng, thì bạn đã được xếp vào nhóm 8% những người giàu có trên thế giới.

Nếu bố mẹ bạn vẫn còn sống và vẫn sống vui vẻ hạnh phúc bên nhau, thì bạn thuộc số ít nhóm người hạnh phúc nhất trên thế giới.

Nếu trên khuôn mặt bạn lúc nào cũng nở một nụ cười tươi tắn, bạn luôn cảm thấy lạc quan yêu đời, thì bạn là người vô cùng hạnh phúc bởi trên thế giới có rất nhiều người muốn lạc quan như bạn mà cũng không được.

Nếu bạn được ôm người thân vào lòng hay được dựa vào bờ vai của họ để nói lên tâm sự của mình, thì bạn đã hạnh phúc hơn rất nhiều những người không bao giờ nhận được tình yêu từ người khác.

Nếu bạn đọc được những dòng chữ này, thì bạn hạnh phúc hơn 2 tỷ người không thể đọc được trên trái đất này.

Sau khi đọc xong những dòng chữ này, bạn có thể nhìn lại mình qua gương và mỉm cười: "Hóa ra, mình cũng là một người giàu có."



(Sưu tầm)

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

Bí quyết của cuộc đời

Một cậu bé hỏi một người đàn ông lớn tuổi: "Thưa ông, ông là người rất uyên bác, cháu muốn ông chỉ cho cháu bí quyết của cuộc đời...!"

Người đàn ông đáp: "Ta đã suy nghĩ về điều này trong suốt cuộc đời mình. Theo ta bí quyết ấy có thể tóm gọn trong 4 từ:
  • Thứ nhất là suy nghĩ. Suy nghĩ về những điều mà cháu muốn cho cuộc đời mình.
  • Thứ hai là tin tưởng. Tin tưởng vào bản thân mình. Dựa trên những suy nghĩ chính chắn và giá trị mình sẽ sống.
  • Thứ ba là ước mơ. Ước mơ vào những điều có thể, dựa trên niềm tin vào bản thân và niềm tin vào những giá trị đã lựa chọn.
  • Cuối cùng là dám làm. Là dám thử thách, dám đương đầu với cuộc sống, dám chấp nhận mạo hiểm để biến những ước mơ của mình thành sự thật, dựa trên niềm tin vào bản thân và những giá trị sống đã chọn."

(Chuyện kinh điển - Sưu tầm)

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

Có nên huy động vốn trong kinh doanh?

Bất luận bạn đang kinh doanh theo loại hình nào, hãy sử dụng càng ít nguồn vốn từ bên ngoài càng tốt. Việc có thêm vốn để phát triển kinh doanh nghe có vẻ hay nhưng có một chiếc thòng lọng kèm theo. 


Và đây là các lý do:
  • Bạn mất kiểm soát: Khi sử dụng vốn của người khác, tức phải giải trình trước họ. Ban đầu thì việc ấy cũng tốt vì tất cả mọi người đều đồng thuận với nhau. Nhưng việc gì sẽ xảy ra sau đó? Mọi người sẽ có đủ ý kiến thậm chí đề nghị bạn phải làm việc này việc kia. Liệu bạn có mở công ty để phục tùng người khác?
  • Sử dụng nguồn vốn từ bên ngoài thường bóp chết một doanh nghiệp chất lượng. Các nhà đầu tư thường muốn thu hồi vốn càng nhanh càng tốt. Nên các dự án kinh doanh dài hạn sẽ khó lòng tồn tại khi những người có liên quan chỉ muốn nhanh chóng thu hồi vốn như thế.
  • Khách hàng mới là quan trọng. Nếu sử dụng nguồn vốn bên ngoài có thể cuối cùng bạn sẽ gầy dựng những gì nhà đầu tư muốn, thay cho những gì khách hàng muốn.
  • Việc huy động vốn rắc rối. Việc tìm kiếm nhà đầu tư đôi khi khó khăn và làm bạn kiệt sức. Bạn phải mất hàng tháng trời họp hành căng thẳng, hoàn tất các thủ tục pháp lý, hợp đồng... Điều đó làm bạn phân tâm trong khi bạn cần tập trung làm việc.
  • ...

Vài điều học được từ "Khác biệt để bức phá" của Janson Fries & David Heinemeier Hansson



Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

"Họp hành" hiệu quả hay giảm năng suất?

Họp hành là chuyện định kỳ ở nhiều công ty, riêng tôi không thích việc họp lắm trừ những lúc phải triển khai những việc quan trọng. Thời gian còn làm trưởng khoa ở trường Nhân Lực Quốc Tế, ngoài việc sáng thứ hai hàng tuần mất cả một buổi để giao ban, còn nhiều cuộc họp đột xuất trong tuần làm nghẽn lại những việc đang làm. Không biết có bao nhiêu người trong số các bạn có quan niệm giống như tôi về việc "họp hành" định kỳ:
  • Các cuộc họp thường dễ bị lái sang những việc ngoài lề.
  • Hội họp thường đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo mà hầu hết chúng ta không có thời gian để thực hiện.
  • Có quá nhiều chương trình nhồi nhét trong cuộc họp đến nỗi không ai thực sự biết rõ về mục tiêu của cuộc họp.
  • Trong các cuộc họp thỉnh thoảng xuất hiện một  hoặc vài người tỏ ra ngớ ngẩn làm mất thời gian của mọi người bằng những lời phát biểu vô nghĩa.
  • Họp hành thường có khả năng sinh sôi. Cuộc họp này sẽ dẫn đến một cuộc họp khác, rồi cuộc họp nữa, cứ  như thế...

Thông thường, để chuẩn bị cho việc họp tất cả mọi người tham gia đều phải dành một khoảng thời gian để chuẩn bị. Nếu không thế, có thể mọi người cũng dừng việc ít nhất 15 phút để chuẩn bị cho việc đi họp. Khi nghĩ về việc này, bạn mới thấy cái giá thật sự của việc họp hành. Giả sử bạn sắp lên lịch một cuộc họp kéo dài 1 giờ và mời 10 người tham dự. Đó thực ra là cuộc họp mất 10 giờ đồng hồ, chứ không phải một giờ. Bởi vì bạn đang đánh đổi 10 giờ năng suất làm việc để lấy 1 giờ họp hành. Nhưng thời gian thực sự tiêu tốn đến 15 giờ đồng hồ, bởi vì còn phải tính thời gian hao hụt khi mọi người chuyển tâm trí mình từ việc này sang việc khác: ngừng công việc đang làm, đến phòng họp, rồi quay trở về với công việc dang dở trước đó và tập trung trở lại với công việc. Như vậy, việc đánh đổi 10 hoặc 15 giờ năng suất làm việc để lấy một giờ họp hành có xứng đáng không?


Nếu bạn thấy chắn chắn cần phải tổ chức cuộc họp, thì hãy cố gắng làm cho cuộc họp thật hiệu quả, chứ không phải "họp" là "hành" bằng cách tuân thủ những qui luật đơn giản:
  • Hãy đặt đồng hồ báo giờ kết thúc cuộc họp
  • Càng mời ít người tham dự càng tốt
  • Luôn có chương trình làm việc rõ ràng
  • Hãy bắt đầu với một vấn đề cụ thể
  • Họp ngày nơi mà vấn đề nảy sinh thay vì trong phòng họp. Hãy nhắm vào việc thật và đề nghị những thay đổi thật.
  • Kết thúc cuộc họp với giải pháp và giao nhiệm vụ cho một người cụ thể để triển khai giải pháp đó.

Nhiều bạn hỏi tôi rằng: nếu không họp sao tất cả mọi người có thể thống nhất và cùng thực hiện mục tiêu của công ty? Điều này đúng. Thật ra tôi vẫn họp thường xuyên với nhân viên, thậm chí với từng nhân viên bằng vài dòng chat trên yahoo, skype hay facebook. Nếu cần trao đổi với nhiều nhân viên cùng lúc thì cũng mời tham gia "group chat",  như vậy người được mời vắng không tham gia trực tuyến cũng có thể đọc lại nội dung họp chính xác nhất sau đó (tôi tin chắc nó chính xác hơn cả biên bản họp). Có thời gian tôi điều hành một công ty gồm 3 chi nhánh ở 3 địa phương khác nhau, tôi vẫn họp đều đăn với các văn phòng chi nhánh hàng ngày để giải quyết các tình huống qua báo cáo công việc cuối ngày cũng bằng cách "chat". 


Đa phần nhân viên thấy nhàm chán với việc cầm sổ vào phòng họp. Nhưng không nhân viên nào cảm thấy chán khi chat với "sếp" trên internet. Thêm vấn đề nữa, khi tương tác bằng hội họp trực tiếp đôi khi nhân viên không "phát biểu" thoải mái như khi dùng "chat". Khi dùng "chat" tôi đang được đối thoại với nhân viên thật sự, nhưng khi tổ chức họp trực tiếp với phòng họp bố trí vai vế rõ ràng, người điều hành họp là người phải nói nhiều nhất, nhiều nhân viên ngại phát biểu khi họp, và tôi khó hình dung bạn đó đang nghĩ gì?

Không hiểu sao hôm nay tôi có hứng thú viết về đề tài này. Có thể có nhiều bạn có quan niệm khác với tôi. Vậy thì hãy cùng chia sẻ quan điểm các bạn nhé! 




Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Những điều cần lưu ý khi lập kế hoạch kinh doanh hoặc kế hoạch công việc

Sống, làm việc, học tập, kinh doanh đều cần phải có kế hoạch. Thế nhưng, bạn định nghĩa thế nào là kế hoạch? Đó phải chăng là sự phán đoán, ước lượng về những việc sắp tới và hoạch định những việc cần thực hiện? Vậy nên chăng thay từ "kế hoạch" bằng "phán đoán": phán đoán kinh doanh, phán đoán tài chính, phán đoán chiến lược ...


Bạn luôn cần có khả năng ứng biến và nắm bắt khi cơ hội đến. Nên đôi khi bạn cần phải nói: "Chúng ta nên đi theo hướng mới vì điều đó phù hợp với tình hình hiện tại.". Hãy bỏ bớt phán đoán. Hãy quyết định những gì bạn sẽ làm trong 1 tuần, chứ không phải 1 năm. Hãy tìm ra những điều quan trọng nhất tiếp theo và thực thực hiện. Hãy ra quyết định trước khi bạn làm một điều gì đó, chứ đừng ra quyết định quá sớm.

Chúng ta thường ước lượng mọi việc lạc quan và thời hạn hoàn thành công việc càng lâu thì khả năng dự đoán sai lệch càng lớn. Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì? Hãy chia việc lớn thành những việc nhỏ hơn. Việc càng nhỏ càng để ước lượng. Có thể bạn vẫn sẽ ước lượng sai, nhưng sự sai lệch sẽ giảm nhiều so với việc ước lượng cả một dự án lớn. Nếu việc đó tiêu tốn gấp đôi khoảng thời gian mà bạn dự đoán thì tốt hơn là bạn nên chia nhỏ nó ra. Thay vì dự án 12 tuần, hãy chia nó ra thành 12 dự án 1 tuần. Thay vì ước đoán những công việc tốn đến 30 tiếng hoặc hơn, hãy chia nhỏ thành những công việc thực tế tốn từ 6 đến 10 tiếng rồi hạy tiến hành từng bước một.

                                            

Khi liệt kê các công việc cần làm cũng có nhiều điều cần lưu ý:
- Đừng liệt kê công việc như một sớ táo quân. Chắc chắn bạn không bao giờ hoàn thành hết các công việc này vì các công việc chưa làm đè nặng lên bạn và cho bạn cảm giác tội lỗi vì làm việc không hiệu quả,
- Hãy chia ra thành nhiều nhóm công việc. Mỗi nhóm dưới 10 công việc và hoàn thành từng nhóm công việc một. Bạn sẽ thấy rất thoải mái khi hoàn thành xong một nhóm công việc và sẵn sàng "tấn công" vào nhóm công việc kế tiếp.
- Luôn ưu tiên các việc quan trọng, gấp để thực hiện trước. Nhưng chú ý không nên đánh dấu vào những việc quan trọng hay đánh số thứ tự ưu tiên. Vì bạn dễ xao nhãng những việc còn lại.



Điều quan trọng là ra quyết định tiến triển vì khi bạn chần chừ chưa ra quyết định, các vấn đề sẽ chồng chất lên nhau. Thông thường, các vấn đề chồng chất như vậy sẽ bị phớt lờ, giải quyết hấp tấp hoặc bị xếp sang một bện. Kết quả là từng vấn đề riêng lẻ sẽ không được giải quyết. Luôn đặt câu hỏi chúng ta có thể làm gì ngay lúc này để có được kết quả tối ưu? và tìm câu trả lời để luôn quyết định tiến về phía trước chứ đừng chờ đợi một giải pháp hoàn hảo. Bạn có thể có thêm nhiều rắc rối khi chần chừ, chờ đợi một giải pháp hoàn hảo. Hãy lưu ý rằng bạn không cần phải sống với một lựa chọn suốt cả cuộc đời. Nếu bạn phạm sai lầm, bạn vẫn có thể sửa chữa sau đó. Việc bạn lên bao nhiêu kế hoạch không quan trọng vì dù sao bạn vẫn sẽ có một số sai lầm. Đừng làm cho mọi việc tệ hại hơn bằng cách phân tích quá chi tiết và trì hoãn trước khi thực sự bắt đầu. Các dự án dài hạn thường làm kiệt quệ tinh thần. Càng tốn thời gian để lên kế hoạch, khả năng thực hiện sẽ càng giảm. Hãy quyết định bắt tay làm ngay khi bạn có đủ đà và động lực.

Nguyễn Trúc Chi