NGUYỄN TRÚC CHI

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Chúng ta là ai trong thế giới này?

Bạn có bao giờ tự hỏi về mục đích và ý nghĩa cuộc sống của mình chưa? Chỉ khi nào bạn ý thức được và có khát vọng đi tìm niềm vui và hạnh phúc thật sự thì bạn mới xác định được mình là ai trong thế giới này. Một nhà hiền triết đã từng nói “Cuộc hành trình lớn nhất của một đời người là đi tìm chính bản thân mình, trải nghiệm và thử thách tất cả để tìm ra mình là ai”, hay là “tận lực tri thiên mệnh”.


Bạn sinh ra và lớn lên trong cuộc sống này chắc chắn không phải chỉ để tồn tại, hay làm cái bóng của người khác và bạn cũng chẳng bao giờ muốn mình làm nền cho bất kỳ ai. Bạn phải là chính bạn.
Bạn nên biết rằng sự tồn tại của bạn đã làm thay đổi rất nhiều điều xung quanh. Những chặng đường bạn đi qua, những công việc bạn đã và đang làm, những người bạn từng gặp, tiếp xúc hay kết bạn ắt hẳn sẽ khác đi nếu không có bạn. Bạn đã để lại một dấu ấn rất riêng trong công việc, trong tình cảm, ký ức kỷ niệm hay trong tâm hồn của họ và bạn sẽ còn tác động đến thế giới xung quanh bởi những ý tưởng, ước mơ, hoài bão và hành động cụ thể, hay đơn giản hơn là sự tồn tại của chính bạn.
Bạn có thể bận bịu với công việc hay chú tâm tới một điều nào đó trong một giai đoạn của cuộc sống, nhưng sau cùng bạn sẽ luôn thức tỉnh bởi những khát vọng, ước mơ từng có trong tiềm thức, hay đôi khi ngay từ thuở thiếu thời. Và điều này có ý nghĩa đặc biệt đối với cuộc sống của bạn. Mục đích cuộc sống có thể là điều mà mãi đến sau này, qua quá trình trải nghiệm để trưởng thành bạn mới tìm ra hay đôi khi, nó đã được định hình ngay từ những năm tháng khi bạn bắt đầu biết cảm nhận cuộc sống.


Trong cuộc sống, tất cả chúng ta đều có mối liên hệ với nhau và ít nhiều bị ảnh hưởng qua lại bởi những suy nghĩ, việc làm, quyết định của những người xung quanh, đôi khi bởi cả sự tồn tại đơn thuần của họ.

Nhận diện ra mình là ai trong thế giới này? Xác định được ý nghĩa cuộc sống của mình. Lúc đó bạn sẽ thấy rất hạnh phúc. Hàng ngày bạn sẽ làm việc với tất cả đam mê và luôn tìm thấy niềm vui trong công việc lẫn trong cuộc sống. Có như vậy, bạn mới vượt qua hết mọi trở ngại nếu có để đi đến cùng với ước mơ, hoài bão của mình.

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

Bạn đang giàu hay nghèo?




Chàng thanh niên nọ lúc nào cũng than vãn số mình không tốt, không thể giàu có được.


Một ngày, một ông lão đi qua, nhìn thấy vẻ mặt ủ ê của anh bèn hỏi:

- Chàng trai, sau trông cậu buồn thế, có việc gì không vui à?

- Cháu không hiểu tại sao cháu làm việc chăm chỉ, vất vả mà vẫn nghèo.

- Chàng trai buồn bã nói.

- Nghèo ư, cháu là một người giàu có đấy chứ.

- Chưa ai nói với cháu như vậy cả, cháu rất nghèo.

- Giả sử như ta chặt một ngón tay cái của cháu, ta trả cháu 3 đồng vàng, cháu có đồng ý không?

- Không ạ.

- Giả sử như ta chặt của cháu một bàn tay, ta trả cháu 30 đồng vàng, cháu đồng ý không?

- Không bao giờ.

- Vậy ta muốn lấy đi đôi mắt của cháu, ta trả cháu 300 đồng vàng, cháu thấy thế nào?

- Cũng không được.

- Vậy, ta trả cháu 3.000 đồng vàng để cháu trở thành một ông lão như ta, già cả, lú lẫn được không?

- Đương nhiên là không.

- Cháu muốn giàu. Vậy ta sẽ đưa cho cháu 30.000 đồng tiền vàng để lấy đi mạng sống của cháu, cháu thấy thế nào?

- Cháu cảm ơn ông! Cháu đã hiểu cháu cũng là một người giàu có.

Trong cuộc sống, rất nhiều người thường than thân trách phận mà không hiểu thực ra mình còn hạnh phúc hơn rất nhiều người khác. Bạn hãy xem:

Nếu sáng nay tỉnh dậy, cảm thấy mình khỏe mạnh, thì bạn đã hạnh phúc hơn rất nhiều người không còn cơ hội sống đến ngày mai.

Nếu bạn chưa bao giờ phải trải qua sự tàn phá của chiến tranh, sự đơn độc, lạnh lẽo trong nhà tù, chưa bị đói rét rình rập, thì bạn đã may mắn hơn 500 triệu người trên trái đất.

Nếu trong tủ lạnh nhà bạn có thức ăn, bạn có quần áo để mặc, có tiền để tiêu, thì bạn đã hạnh phúc hơn biết bao người nghèo đói vô gia cư trên thế giới.
Nếu bạn có tài khoản trong ngân hàng, thì bạn đã được xếp vào nhóm 8% những người giàu có trên thế giới.

Nếu bố mẹ bạn vẫn còn sống và vẫn sống vui vẻ hạnh phúc bên nhau, thì bạn thuộc số ít nhóm người hạnh phúc nhất trên thế giới.

Nếu trên khuôn mặt bạn lúc nào cũng nở một nụ cười tươi tắn, bạn luôn cảm thấy lạc quan yêu đời, thì bạn là người vô cùng hạnh phúc bởi trên thế giới có rất nhiều người muốn lạc quan như bạn mà cũng không được.

Nếu bạn được ôm người thân vào lòng hay được dựa vào bờ vai của họ để nói lên tâm sự của mình, thì bạn đã hạnh phúc hơn rất nhiều những người không bao giờ nhận được tình yêu từ người khác.

Nếu bạn đọc được những dòng chữ này, thì bạn hạnh phúc hơn 2 tỷ người không thể đọc được trên trái đất này.

Sau khi đọc xong những dòng chữ này, bạn có thể nhìn lại mình qua gương và mỉm cười: "Hóa ra, mình cũng là một người giàu có."



(Sưu tầm)

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

Bí quyết của cuộc đời

Một cậu bé hỏi một người đàn ông lớn tuổi: "Thưa ông, ông là người rất uyên bác, cháu muốn ông chỉ cho cháu bí quyết của cuộc đời...!"

Người đàn ông đáp: "Ta đã suy nghĩ về điều này trong suốt cuộc đời mình. Theo ta bí quyết ấy có thể tóm gọn trong 4 từ:
  • Thứ nhất là suy nghĩ. Suy nghĩ về những điều mà cháu muốn cho cuộc đời mình.
  • Thứ hai là tin tưởng. Tin tưởng vào bản thân mình. Dựa trên những suy nghĩ chính chắn và giá trị mình sẽ sống.
  • Thứ ba là ước mơ. Ước mơ vào những điều có thể, dựa trên niềm tin vào bản thân và niềm tin vào những giá trị đã lựa chọn.
  • Cuối cùng là dám làm. Là dám thử thách, dám đương đầu với cuộc sống, dám chấp nhận mạo hiểm để biến những ước mơ của mình thành sự thật, dựa trên niềm tin vào bản thân và những giá trị sống đã chọn."

(Chuyện kinh điển - Sưu tầm)

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

Có nên huy động vốn trong kinh doanh?

Bất luận bạn đang kinh doanh theo loại hình nào, hãy sử dụng càng ít nguồn vốn từ bên ngoài càng tốt. Việc có thêm vốn để phát triển kinh doanh nghe có vẻ hay nhưng có một chiếc thòng lọng kèm theo. 


Và đây là các lý do:
  • Bạn mất kiểm soát: Khi sử dụng vốn của người khác, tức phải giải trình trước họ. Ban đầu thì việc ấy cũng tốt vì tất cả mọi người đều đồng thuận với nhau. Nhưng việc gì sẽ xảy ra sau đó? Mọi người sẽ có đủ ý kiến thậm chí đề nghị bạn phải làm việc này việc kia. Liệu bạn có mở công ty để phục tùng người khác?
  • Sử dụng nguồn vốn từ bên ngoài thường bóp chết một doanh nghiệp chất lượng. Các nhà đầu tư thường muốn thu hồi vốn càng nhanh càng tốt. Nên các dự án kinh doanh dài hạn sẽ khó lòng tồn tại khi những người có liên quan chỉ muốn nhanh chóng thu hồi vốn như thế.
  • Khách hàng mới là quan trọng. Nếu sử dụng nguồn vốn bên ngoài có thể cuối cùng bạn sẽ gầy dựng những gì nhà đầu tư muốn, thay cho những gì khách hàng muốn.
  • Việc huy động vốn rắc rối. Việc tìm kiếm nhà đầu tư đôi khi khó khăn và làm bạn kiệt sức. Bạn phải mất hàng tháng trời họp hành căng thẳng, hoàn tất các thủ tục pháp lý, hợp đồng... Điều đó làm bạn phân tâm trong khi bạn cần tập trung làm việc.
  • ...

Vài điều học được từ "Khác biệt để bức phá" của Janson Fries & David Heinemeier Hansson



Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

"Họp hành" hiệu quả hay giảm năng suất?

Họp hành là chuyện định kỳ ở nhiều công ty, riêng tôi không thích việc họp lắm trừ những lúc phải triển khai những việc quan trọng. Thời gian còn làm trưởng khoa ở trường Nhân Lực Quốc Tế, ngoài việc sáng thứ hai hàng tuần mất cả một buổi để giao ban, còn nhiều cuộc họp đột xuất trong tuần làm nghẽn lại những việc đang làm. Không biết có bao nhiêu người trong số các bạn có quan niệm giống như tôi về việc "họp hành" định kỳ:
  • Các cuộc họp thường dễ bị lái sang những việc ngoài lề.
  • Hội họp thường đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo mà hầu hết chúng ta không có thời gian để thực hiện.
  • Có quá nhiều chương trình nhồi nhét trong cuộc họp đến nỗi không ai thực sự biết rõ về mục tiêu của cuộc họp.
  • Trong các cuộc họp thỉnh thoảng xuất hiện một  hoặc vài người tỏ ra ngớ ngẩn làm mất thời gian của mọi người bằng những lời phát biểu vô nghĩa.
  • Họp hành thường có khả năng sinh sôi. Cuộc họp này sẽ dẫn đến một cuộc họp khác, rồi cuộc họp nữa, cứ  như thế...

Thông thường, để chuẩn bị cho việc họp tất cả mọi người tham gia đều phải dành một khoảng thời gian để chuẩn bị. Nếu không thế, có thể mọi người cũng dừng việc ít nhất 15 phút để chuẩn bị cho việc đi họp. Khi nghĩ về việc này, bạn mới thấy cái giá thật sự của việc họp hành. Giả sử bạn sắp lên lịch một cuộc họp kéo dài 1 giờ và mời 10 người tham dự. Đó thực ra là cuộc họp mất 10 giờ đồng hồ, chứ không phải một giờ. Bởi vì bạn đang đánh đổi 10 giờ năng suất làm việc để lấy 1 giờ họp hành. Nhưng thời gian thực sự tiêu tốn đến 15 giờ đồng hồ, bởi vì còn phải tính thời gian hao hụt khi mọi người chuyển tâm trí mình từ việc này sang việc khác: ngừng công việc đang làm, đến phòng họp, rồi quay trở về với công việc dang dở trước đó và tập trung trở lại với công việc. Như vậy, việc đánh đổi 10 hoặc 15 giờ năng suất làm việc để lấy một giờ họp hành có xứng đáng không?


Nếu bạn thấy chắn chắn cần phải tổ chức cuộc họp, thì hãy cố gắng làm cho cuộc họp thật hiệu quả, chứ không phải "họp" là "hành" bằng cách tuân thủ những qui luật đơn giản:
  • Hãy đặt đồng hồ báo giờ kết thúc cuộc họp
  • Càng mời ít người tham dự càng tốt
  • Luôn có chương trình làm việc rõ ràng
  • Hãy bắt đầu với một vấn đề cụ thể
  • Họp ngày nơi mà vấn đề nảy sinh thay vì trong phòng họp. Hãy nhắm vào việc thật và đề nghị những thay đổi thật.
  • Kết thúc cuộc họp với giải pháp và giao nhiệm vụ cho một người cụ thể để triển khai giải pháp đó.

Nhiều bạn hỏi tôi rằng: nếu không họp sao tất cả mọi người có thể thống nhất và cùng thực hiện mục tiêu của công ty? Điều này đúng. Thật ra tôi vẫn họp thường xuyên với nhân viên, thậm chí với từng nhân viên bằng vài dòng chat trên yahoo, skype hay facebook. Nếu cần trao đổi với nhiều nhân viên cùng lúc thì cũng mời tham gia "group chat",  như vậy người được mời vắng không tham gia trực tuyến cũng có thể đọc lại nội dung họp chính xác nhất sau đó (tôi tin chắc nó chính xác hơn cả biên bản họp). Có thời gian tôi điều hành một công ty gồm 3 chi nhánh ở 3 địa phương khác nhau, tôi vẫn họp đều đăn với các văn phòng chi nhánh hàng ngày để giải quyết các tình huống qua báo cáo công việc cuối ngày cũng bằng cách "chat". 


Đa phần nhân viên thấy nhàm chán với việc cầm sổ vào phòng họp. Nhưng không nhân viên nào cảm thấy chán khi chat với "sếp" trên internet. Thêm vấn đề nữa, khi tương tác bằng hội họp trực tiếp đôi khi nhân viên không "phát biểu" thoải mái như khi dùng "chat". Khi dùng "chat" tôi đang được đối thoại với nhân viên thật sự, nhưng khi tổ chức họp trực tiếp với phòng họp bố trí vai vế rõ ràng, người điều hành họp là người phải nói nhiều nhất, nhiều nhân viên ngại phát biểu khi họp, và tôi khó hình dung bạn đó đang nghĩ gì?

Không hiểu sao hôm nay tôi có hứng thú viết về đề tài này. Có thể có nhiều bạn có quan niệm khác với tôi. Vậy thì hãy cùng chia sẻ quan điểm các bạn nhé! 




Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Những điều cần lưu ý khi lập kế hoạch kinh doanh hoặc kế hoạch công việc

Sống, làm việc, học tập, kinh doanh đều cần phải có kế hoạch. Thế nhưng, bạn định nghĩa thế nào là kế hoạch? Đó phải chăng là sự phán đoán, ước lượng về những việc sắp tới và hoạch định những việc cần thực hiện? Vậy nên chăng thay từ "kế hoạch" bằng "phán đoán": phán đoán kinh doanh, phán đoán tài chính, phán đoán chiến lược ...


Bạn luôn cần có khả năng ứng biến và nắm bắt khi cơ hội đến. Nên đôi khi bạn cần phải nói: "Chúng ta nên đi theo hướng mới vì điều đó phù hợp với tình hình hiện tại.". Hãy bỏ bớt phán đoán. Hãy quyết định những gì bạn sẽ làm trong 1 tuần, chứ không phải 1 năm. Hãy tìm ra những điều quan trọng nhất tiếp theo và thực thực hiện. Hãy ra quyết định trước khi bạn làm một điều gì đó, chứ đừng ra quyết định quá sớm.

Chúng ta thường ước lượng mọi việc lạc quan và thời hạn hoàn thành công việc càng lâu thì khả năng dự đoán sai lệch càng lớn. Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì? Hãy chia việc lớn thành những việc nhỏ hơn. Việc càng nhỏ càng để ước lượng. Có thể bạn vẫn sẽ ước lượng sai, nhưng sự sai lệch sẽ giảm nhiều so với việc ước lượng cả một dự án lớn. Nếu việc đó tiêu tốn gấp đôi khoảng thời gian mà bạn dự đoán thì tốt hơn là bạn nên chia nhỏ nó ra. Thay vì dự án 12 tuần, hãy chia nó ra thành 12 dự án 1 tuần. Thay vì ước đoán những công việc tốn đến 30 tiếng hoặc hơn, hãy chia nhỏ thành những công việc thực tế tốn từ 6 đến 10 tiếng rồi hạy tiến hành từng bước một.

                                            

Khi liệt kê các công việc cần làm cũng có nhiều điều cần lưu ý:
- Đừng liệt kê công việc như một sớ táo quân. Chắc chắn bạn không bao giờ hoàn thành hết các công việc này vì các công việc chưa làm đè nặng lên bạn và cho bạn cảm giác tội lỗi vì làm việc không hiệu quả,
- Hãy chia ra thành nhiều nhóm công việc. Mỗi nhóm dưới 10 công việc và hoàn thành từng nhóm công việc một. Bạn sẽ thấy rất thoải mái khi hoàn thành xong một nhóm công việc và sẵn sàng "tấn công" vào nhóm công việc kế tiếp.
- Luôn ưu tiên các việc quan trọng, gấp để thực hiện trước. Nhưng chú ý không nên đánh dấu vào những việc quan trọng hay đánh số thứ tự ưu tiên. Vì bạn dễ xao nhãng những việc còn lại.



Điều quan trọng là ra quyết định tiến triển vì khi bạn chần chừ chưa ra quyết định, các vấn đề sẽ chồng chất lên nhau. Thông thường, các vấn đề chồng chất như vậy sẽ bị phớt lờ, giải quyết hấp tấp hoặc bị xếp sang một bện. Kết quả là từng vấn đề riêng lẻ sẽ không được giải quyết. Luôn đặt câu hỏi chúng ta có thể làm gì ngay lúc này để có được kết quả tối ưu? và tìm câu trả lời để luôn quyết định tiến về phía trước chứ đừng chờ đợi một giải pháp hoàn hảo. Bạn có thể có thêm nhiều rắc rối khi chần chừ, chờ đợi một giải pháp hoàn hảo. Hãy lưu ý rằng bạn không cần phải sống với một lựa chọn suốt cả cuộc đời. Nếu bạn phạm sai lầm, bạn vẫn có thể sửa chữa sau đó. Việc bạn lên bao nhiêu kế hoạch không quan trọng vì dù sao bạn vẫn sẽ có một số sai lầm. Đừng làm cho mọi việc tệ hại hơn bằng cách phân tích quá chi tiết và trì hoãn trước khi thực sự bắt đầu. Các dự án dài hạn thường làm kiệt quệ tinh thần. Càng tốn thời gian để lên kế hoạch, khả năng thực hiện sẽ càng giảm. Hãy quyết định bắt tay làm ngay khi bạn có đủ đà và động lực.

Nguyễn Trúc Chi

Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

Người lạc quan luôn nhìn thấy điều kỳ diệu

Cuộc đời chúng ta không phải lúc nào cũng chỉ toàn niềm vui, mà còn có những nỗi buồn. Không chỉ toàn thuận lợi mà nhiều lúc rất khó khăn. Nhưng không như vậy, chắc cuộc sống cũng sẽ rất đơn điệu. Dù ai cũng muốn cuộc sống ban tặng những điều tốt nhất cho mình.

Vậy thì, khi ta khó khăn, khi ta buồn chán có bao giờ bạn tự hỏi sao cuộc đời lại trớ trêu, lại bạc đãi với ta? Mà quên đi những điều cuộc sống đang ban tặng, những điều thật tuyệt vời mà đôi khi bạn không nhận ra.

- Chỉ khi khó khăn bạn mới thật sự nhận ra ai mới thật sự là bạn của mình: đó là những người luôn bên cạnh, động viên, chia sẻ và sẵn sàng vượt khó cùng bạn.
- Chỉ khi khó khăn bạn mới nhận ra mình có nhiều đức tính thật tuyệt vời: can đảm, dũng cảm...
- Chỉ khi khó khăn bạn mới nhận thấy sức mạnh của tập thể kỳ diệu như thế nào.
...
Còn nhiều điều mà cuộc sống ban tặng cho ta mà ta không biết. Cuộc đời giống như một cuốn sách. Khi đọc đến đoạn buồn bạn hãy lật sang trang mới chứ đừng gấp sách lại nhé!



Hãy luôn nhớ rằng: Khó khăn nào cũng là tạm thời đối với người có quyết tâm vượt khó. Trên con đường ta đi không phải lúc nào cũng bằng phẳng, thênh thang mà cũng có nhiều khúc quanh nguy hiểm, nhiều ổ gà, nhiều chướng ngại vật. Nếu con đường đi đến thành công mà trơn tru, bằng phẳng thì ai cũng có thể tới đích. Đích đến chỉ đón chờ những người can đảm, kiên trì với lòng quyết tâm cao. 

Những người bạn thật sự là những người có thể cùng ta đồng hành đế đi đến đích cuối cùng. Hãy cùng nhau đi đến đích nhé các người bạn của tôi.


Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Góc nhìn thú vị về sự khác biệt Hà Nội - Sài Gòn


Có thể thấy được những hình ảnh ấn tượng, cô đọng và hài hước khi “soi” Sài Gòn và Hà Nội qua cùng một lăng kính.

Một bộ ảnh đồ họa có tựa đề The Difference Between Hanoi and Saigon (tạm dịch: Sự khác biệt giữa Hà Nội và Sài Gòn) của tác giả Lê Duy Nhất đang rất được lòng cư dân mạng khi mô tả nét khác biệt giữa Hà Nội và Sài Gòn bằng một cách thể hiện ấn tượng.
Thanh Niên Online giới thiệu cùng bạn đọc bộ ảnh The Difference Between Hanoi and Saigon của chàng trai 27 tuổi này (phần chú thích thể hiện quan điểm riêng của tác giả bộ ảnh):
So sánh tếu táo giữa Hà Nội và Sài Gòn 4
Trên đường phố Hà Nội có nhiều gánh hàng rong. Trên đường phố Sài Gòn có nhiều xe đẩy bán hàng rong
So sánh tếu táo giữa Hà Nội và Sài Gòn 5
Ở Hà Nội có nhiều gánh hàng hoa, xe đạp chở hoa bán rong. Sài Gòn dường như không có hình ảnh này. Người Sài Gòn thường mua trong các tiệm hoa tươi
So sánh tếu táo giữa Hà Nội và Sài Gòn 6
Mâm ngũ quả bày lên bàn thờ trong những ngày Tết Nguyên đán của người Hà Nội và người Sài Gòn cũng rất khác nhau
So sánh tếu táo giữa Hà Nội và Sài Gòn 7
Tết đến, xuân về, Hà Nội có hoa đào, Sài Gòn có hoa mai
So sánh tếu táo giữa Hà Nội và Sài Gòn 8
Người Hà Nội có “thú” ăn phở trong các quán vỉa hè, bên lề đường, trong ngõ phố cổ. Người Sài Gòn thường thưởng thức phở trong tiệm ăn, nhà hàng
So sánh tếu táo giữa Hà Nội và Sài Gòn 9
Hình ảnh bữa sáng ở Hà Nội gắn liền với tô phở nóng hổi, ở Sài Gòn gắn liền với ly cà phê
So sánh tếu táo giữa Hà Nội và Sài Gòn 10
Trong bữa cơm, các gia đình ở Hà Nội thường có “phép tắc” mời cơm. Ở Sài Gòn, điều này không mấy phổ biến
So sánh tếu táo giữa Hà Nội và Sài Gòn 11
Hà Nội có bún chả. Sài Gòn có cơm tấm
So sánh tếu táo giữa Hà Nội và Sài Gòn 12
Người Sài Gòn ăn ngọt và cay hơn người Hà Nội
So sánh tếu táo giữa Hà Nội và Sài Gòn 13
Người Hà Nội thích uống trà nóng. Người Sài Gòn thích uống cà phê đá
So sánh tếu táo giữa Hà Nội và Sài Gòn 14
Ở Hà Nội, địa điểm lý tưởng để “buôn chuyện” là những quán trà đá, trà chanh vỉa hè. Ở Sài Gòn, địa điểm lý tưởng để “tám chuyện” là những quán cà phê bệt
So sánh tếu táo giữa Hà Nội và Sài Gòn 15
Người Hà Nội thường tiếp khách bằng trà. Người Sài Gòn thường tiếp khách bằng nước suối, nước ngọt
So sánh tếu táo giữa Hà Nội và Sài Gòn 16
Những cơn mưa ở Hà Nội có thể kéo dài dầm dề. Mưa ở Sài Gòn đến nhanh và tạnh nhanh
So sánh tếu táo giữa Hà Nội và Sài Gòn 17
Có vẻ như văn hóa công việc “cấp trên, cấp dưới” giữa Hà Nội và Sài Gòn cũng có rất nhiều điều khác biệt
So sánh tếu táo giữa Hà Nội và Sài Gòn 18
Giọng nói chắc chắn là điểm khác biệt đặc trưng nhất giữa người Hà Nội và người Sài Gòn
So sánh tếu táo giữa Hà Nội và Sài Gòn 19
Trong văn hóa ứng xử, dường như người Hà Nội thiên về sự khéo léo, văn hoa trong lời ăn tiếng nói. Trong khi đó, người Sài Gòn đề cao sự thẳng thắn, không vòng vo
So sánh tếu táo giữa Hà Nội và Sài Gòn 20
Ngay cả chiếc “mũ đồng phục” của cảnh sát giao thông ở Hà Nội và Sài Gòn cũng có kiểu dáng rất khác nhau
So sánh tếu táo giữa Hà Nội và Sài Gòn 21
Cỗ cưới ở Hà Nội thường ăn buổi trưa. Tiệc cưới ở Sài Gòn thường ăn buổi tối
So sánh tếu táo giữa Hà Nội và Sài Gòn 22
Đàn ông Hà Nội thường đi nhậu sau lúc tan sở, xế chiều, xẩm tối và cố gắng về nhà trước khi quá khuya. Đàn ông Sài Gòn có thể nhậu thâu đêm suốt sáng
So sánh tếu táo giữa Hà Nội và Sài Gòn 23
Người Hà Nội có vẻ thức dậy sớm hơn người Sài Gòn
So sánh tếu táo giữa Hà Nội và Sài Gòn 24
Ở Hà Nội thông dụng loại taxi 4 chỗ. Ở Sài Gòn, taxi 7 chỗ lại thông dụng hơn
So sánh tếu táo giữa Hà Nội và Sài Gòn 25
Khái niệm “xe đẹp hay xe xấu” ở Sài Gòn không mấy phổ biến như ở Hà Nội
So sánh tếu táo giữa Hà Nội và Sài Gòn 26
Phong cách ăn mặc ở Hà Nội theo quy chuẩn hơn. Ở Sài Gòn thoải mái hơn
So sánh tếu táo giữa Hà Nội và Sài Gòn 27
Hà Nội có nhiều hồ lớn trong nội thành hơn Sài Gòn
So sánh tếu táo giữa Hà Nội và Sài Gòn 28
Một điểm tương đồng giữa Hà Nội và Sài Gòn đó là tắc đường
So sánh tếu táo giữa Hà Nội và Sài Gòn 29
Nhịp sống của Sài Gòn có vẻ hối hả hơn Hà Nội
So sánh tếu táo giữa Hà Nội và Sài Gòn 30
 Những đồ vật khiến người Hà Nội và người Sài Gòn hoài cổ cũng rất khác nhau
So sánh tếu táo giữa Hà Nội và Sài Gòn 31
Theo như Lê Duy Nhất thì khi đã yêu Hà Nội, Sài Gòn hay một thành phố nào khác, có lẽ sẽ không mấy khó khăn để vượt qua rào cản văn hóa, thích nghi và hòa nhập với môi trường sống, người dân của thành phố đó
Lê Duy Nhất quê Thanh Hóa, đã chuyển vào sống và làm việc tại Sài Gòn hơn 10 năm. Ý tưởng thực hiện bộ ảnh đồ họa The Difference Between Hanoi and Saigon nhen nhóm trong đầu chàng trai 27 tuổi này sau khi tham gia một cuộc thi thiết kế đồ họa liên quan đến hình ảnh và văn hóa Việt Nam.
Duy Nhất chia sẻ rằng bản thân anh gặp không ít khó khăn khi lựa chọn ra những nét khác biệt “dễ thương” để đưa vào bộ ảnh: “Trước đây đã có nhiều bài so sánh Hà Nội và Sài Gòn theo cả hướng tiêu cực và tích cực. Mình thì chỉ mong muốn giới thiệu cuộc sống hai miền, không hề có ý định khen chê miền nào cả”.
Lý giải về quyết định viết chú thích ảnh bằng tiếng Anh, Duy Nhất chia sẻ: “Mình chọn ngôn ngữ này bởi nó có vẻ súc tích, cô đọng hơn. Vừa có thể giới thiệu về văn hóa Hà Nội, Sài Gòn hay cả Việt Nam với bạn bè quốc tế và cũng để “né” những từ ngữ tạo cảm giác phân biệt vùng miền


(Sưu tầm)

Nền tảng để kinh doanh thành công

Tối hôm qua nói chuyện với một bạn học viên của trường đang muốn khởi nghiệp kinh doanh. Bạn chia sẻ đã đọc sách về 10 doanh nhân thành đạt của Việt Nam từ năm lớp 10. Bạn nhận thấy rằng 80% doanh nhân  thành đạt không học qua trường lớp mà vươn lên từ những khó khăn trong cuộc sống, từ ý chí làm giàu và một chút may mắn. 



Còn mình quan niệm muốn thành công trong kinh doanh trước tiên cần có tố chất của người kinh doanh - tức bản năng kinh doanh. Đó là bản năng nhận định được một cách tự nhiên, nhanh chóng, chính xác về giá trị thực của một sản phẩm nào đó. Bản năng là sẵn có, nhưng nó có thể được cải thiện, mài giũa nếu bạn chịu khó rèn luyện. Hãy tận dụng mọi cơ hội, chú ý quan sát và thu thập thông tin để nâng cao óc phán đoán và khả năng nhận định của mình. 

Thêm vào đó, muốn chinh phục được thị trường, muốn tồn tại trong sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt hiện nay, bạn phải biết tính toán, nhìn thấu nếu không toàn bộ thì cũng là một phần sự được thua. Ít nhất bạn phải tính toán được sự lãi - lỗ thì mới nên xông pha thương trường.

Người kinh doanh thành công phải nhận định được cơ hội, những cũng phải biết chọn cơ hội cho mình: "Bỏ con săn sắt, bắt con cá rô" Đó là một nguyên tắc rất giản dị nhưng cực kỳ quan trọng. Đôi khi phải biết từ bỏ những lợi nhuận trước mắt, để đầu tư cho những mục tiêu dài hơi hơn. Bạn có thể kiếm được nhiều tiền từ những phi vụ làm ăn kiểu “ăn sổi ở thì”, nhưng để xây dựng sự nghiệp lớn và thương hiệu thì không chỉ cần đến tiền.

Thương trường như chiến trường. Đã không thắng thì chỉ có thua. Không có khái niệm nào khác ngoài “thành công” và “thất bại”. Điều quan trọng là phải theo đuổi đến cùng mục tiêu kinh doanh, đừng vì một vài thất bại ban đầu mà nản chí, bỏ ngang xương, khó đạt được thành quả lớn.


Để thành công trong kinh doanh phải có được 5 nguồn lực: nhân lực, trí lực, tâm lực, tài lực, vật lực. Trong 5 nguồn lực này thì yếu tố tiền chỉ đứng vai trò cuối cùng. Tài sản thật sự của doanh nghiệp chính đội ngũ nhân viên, trí phán đoán, tính toán của cả đội ngũ, sự nhiệt tâm cùng theo đuổi đến cùng mục tiêu kinh doanh và khả năng điều hành của người quản lý, cuối cùng mới tới tiền bạc, thiết bị... đầu tư vào kinh doanh.

Hôm qua, bạn học viên này cũng hỏi mình: Liệu những người học quản trị kinh doanh có thành công trong kinh doanh không? Như trên đã phân tích việc kinh doanh thành công cần tố chất, bản năng của người kinh doanh. Việc quản trị cũng vậy, không phải ai cũng có khả năng cầm quân, có thiên hướng lãnh đạo. Thời gian gần đây, việc dạy quản trị kinh doanh tràn làn từ các trường đại học. Mọi người đổ xô đi học để làm lãnh đạo. Kết quả, mình ngồi tuyển dụng nhân viên chỉ toàn hồ sơ xin làm quản lý, không có hồ sơ xin làm nghề. Nhưng thật buồn, để tuyển được quản lý biết việc, biết quản trị, hiểu chuyên môn không đơn giản. Nên mình ủng hộ việc hạn chế đào tạo ngành quản trị kinh doanh mà Bộ giáo dục đào tạo ban hành năm nay.

Thomas Rowe Price Jr. (1898-1983) là nhà sáng lập công ty đầu  tư T. Rowe Price, đồng thời được coi là cha đẻ của trường phái đầu tư tăng trưởng (growth investing). 

Ông cho rằng: “Mọi doanh nghiệp đều do con người tạo nên. Đó là thành quả của các cá nhân, phản ánh tính cách, triết lý kinh doanh của những người sáng lập nên công ty cũng như những người chèo lái công ty vượt qua các khó khăn trong quá trình tồn tại. Nếu bạn muốn hiểu bất kỳ một công ty nào, điều quan trọng là bạn cần phải hiểu về nền tảng của những con người đã lập nên công ty đó và lãnh đạo nó trong quá khứ, cũng như hy vọng và tham vọng của những người đang vạch ra tương lai cho nó”.



Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Hỏi - Đáp

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Những nguyên tắc vàng học được từ Đắc Nhân tâm của Dale Carnegie

Đọc Đắc nhân tâm nhiều lần, nhưng để hành xử hết những gì sách đã dạy là cả một quá trình sống, cả một cuộc đời rèn luyện. Cuốn sách được giới thiệu là "cuốn sách hay nhất mọi thời đại đưa bạn đến thành công" quả thật không sai. Có thể nói đây là cuốn sách đầu tiên và hay nhất về nghệ thuật giao tiếp và ứng xử. Để thành công trong bất cứ lĩnh  vực nào trước tiên hãy thành nhân. Chính vì điều đó, tôi đã đọc nhiều lần quyển sách này để luôn nhắc mình rèn luyện theo những nguyên tắc vàng của Dale Carnegie. Lần này đọc lại, tôi quyết định chia sẻ trên blog này để các bạn cùng đọc, và bản thân tôi thì tự nhắc mình chiêm nghiệm kỹ và ứng dụng tốt trong cuộc sống hàng ngày.



Nguyên tắc thứ nhất: KHÔNG NÊN CHỈ TRÍCH, OÁN TRÁCH HAY THAN PHIỀN

"Ngay cả chúa trời còn không xét đoán một người cho đến phút cuối cùng của cuộc đời họ" vậy tại sao bạn và tôi làm điều đó?
Những người bạn gặp trên đường đời sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Dù tốt hay xấu họ cũng tặng bạn những kinh nghiệm sống hết sức tuyệt vời. Chính vì thế, đừng nên lên án, chỉ trích hay than phiền ai cả. Thậm chí, nếu có ai đó làm tổn thương bạn, phản bội bạn, hay lợi dụng lòng tốt của bạn thì xin hãy tha thứ cho họ. Bởi vì có thể, chính nhờ họ mà bạn học được cách khoan dung.
Chỉ trích một người là việc không khó. Vượt lên trên sự phán xét ấy để cư xử rộng lượng, vị tha mới là điều đáng tự hào.


Nguyên tắc số 2: THÀNH  THẬT KHEN NGỢI VÀ BIẾT ƠN NGƯỜI  KHÁC
Triết gia Emerson nói: “Mọi người tôi gặp đều có những điểm hay hơn tôi, và tôi luôn học được điều gì đó từ họ” Mong rằng điều này cũng đúng với bạn và tôi. Chúng ta hãy ngừng nghĩ đến những thành tích, mong muốn của mình và thử tìm hiểu  những điểm tốt của người khác.
Biết khen ngợi và cảm ơn những người xung quanh một cách chân thành chính là chiếc đũa thần tạo nên tình  thân ái và nguồn động viên tinh thần to lớn. Đó là niềm vui rằng mỗi người đang được quan tâm, công nhận và yêu thương. Mỗi người được khen ngợi chân thành sẽ tự nhiên sửa đổi những tính xấu để trở nên hoàn thiện hơn

Nguyên tắc số 3: GỢI CHO NGƯỜI KHÁC Ý MUỐN THỰC HIỆN ĐIỀU BẠN MUỐN HỌ LÀM
William Winter từng nhận xét: “Tự thể hiện mình là nhu cầu cơ bản của con người”. Chúng ta có thể dùng yếu tố tâm lý này vào kinh doanh. Mỗi khi bạn có được một ý tưởng đặc biệt bạn nên gợi cho người khác  ý tưởng đó và để họ biến nó thành hiện thực. Lúc đó họ sẽ xem ý tưởng ấy là của họ, họ sẽ yêu thích nó và dốc lực thực hiện bằng mọi giá.
Dễ khi nhân và khó khi cho. Dễ là khi nghĩ xấu về người khác nhưng khó là khi tặng cho họ niềm tin. Dễ là khi dập tắt đi ước mơ của người khác và khó là khi gợi cho người khác một mong muốn tha thiết. Vậy tại sao ta không làm một điều “khó” mà hiệu quả thật tốt như khơi gợi mong muốn thiết tha từ một con người?


Nguyên tắc số 4: THẬT LÒNG QUAN TÂM ĐẾN NGƯỜI KHÁC

Có một nguyên tắc rất cơ bản. Nếu chúng ta muốn có những người bạn thật sự thì hãy nghĩ và làm việc gì đó cho họ, sức lực và sự quan tâm không vụ lợi.

Sự quan tâm chân thành đến người khác sẽ tạo ra những phép màu. Phép màu ấy không chỉ dành cho những người khác mà còn dành cho chính bạn.

"Hãy luôn nhớ rằng bạn có hai cánh tay: một để tự giúp mình, và một để giúp người khác.
Một người có thể thành công trong hầu hết mọi việc nếu anh ta có một lòng nhiệt tình vô han" - Charles Schwab


Nguyên tắc số 5: HÃY MỈM CƯỜI

Đừng quên mĩm cười trong cuộc sống. Nụ cười của bạn mang lại hạnh phúc cho những người xung quanh và do đó cũng mang lại hạnh phúc cho chính bản thân bạn.

Hãy mỉm cười với nhau - dù đó là người bạn chưa quen biết. Nụ cười ấy sẽ chiếu đến những góc khuất của tâm hồn và làm bừng sáng cả những nơi tăm tối nhất.


Nguyên tắc số 6: LUÔN NHỚ RẰNG TÊN CỦA MỘT NGƯỜI LÀ ÂM THANH ÊM ĐỀM, THÂN THƯƠNG VÀ QUAN TRỌNG NHẤT ĐỐI VỚI HỌ

Hầu hết chúng ta không nhớ được tên người khác đơn giản vì chúng ta thường đổ lỗi do bận rộn mà không dành thời gian và công sức cần thiết để tập trung nhớ, lặp đi lặp lại và khắc sâu những thông tin đó vào trong tâm trí mình.

Đối với nhiều người, tên gọi chỉ đơn thuần là một cái tên. Quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Khi chúng ta có thể nhớ và gọi tên người khác một cách chính xác, thân mật, chứng tỏ chúng ta thể hiện một sự quan tâm chân thành đến người đó. Và dĩ nhiên, những ai được quan tâm chân thành cũng sẽ dành tình cảm tương tự cho chúng ta.

Franklin D. Roosevelt biết rằng một trong những cách đơn giản nhất, có hiệu quả nhất để thu phục lòng người là nhớ được tên riêng của họ và làm cho học cảm thấy minh quan trọng.

Tất cả những thói quen tốt này cần có thời gian để rèn luyện, phát triển. Chúng ta cần nhận ra điều kỳ diệu ẩn chứa sau tên gọi của mỗi con người và ghi nhớ rằng, mỗi cái tên, dù đơn giản đến đâu, cũng chính là điều quan trọng và niềm vui của người ầy. Do vậy, thông tin mà chúng ta đang trao đổi hay những câu chuyện giữa hai bên sẽ trở nên thật đặc biệt khi chúng ta lồng vào đó tên của người chúng ta đang giao tiếp. 


Nguyên tắc số 7: BIẾT LẮNG NGHE VÀ KHUYẾN KHÍCH NGƯỚI KHÁC NÓI VỀ VẤN ĐỀ CỦA HỌ

Muốn có tài ăn nói thì phải biết chăm chú lắng nghe. Muốn được người khác quan tâm, bạn nên quan tâm đến người khác: hỏi những câu họ thích trả lời, khuyến khích họ nói về chính họ và thành tích của họ. Bởi vì sự cảm thông chia sẻ mạnh hơn lời nói, và niềm vui cùng sự chân thàh sẽ thật sự bền vững khi bạn biết quan tâm đến người khác như đã từng quan tâm đến bản thân mình.

Nên nói ít, nhìn và lắng nghe nhiều. Có một nguyên tắc nổi tiếng trong quản lý con người: "Mọi người thường không quan tâm đến bạn hay công việc của bạn, cho đến khi họ biết bạn quan tâm thực sự đến những vấn đề của họ."

"Sự im lặng du dương hơn bất cứ bản nhạc nào" - Christina Rossetti

"Càng trong tĩnh lặng, càng nghe được nhiều" - Baba Ram Dass




Nguyên tắc số 8: NÓI VỀ ĐIỀU NGƯỜI KHÁC QUAN TÂM

Con đường nhanh nhất để dẫn đến trái tim một người là bàn luận về những điều người ấy quan tâm nhất.
Một lời nói bất cẩn, thiếu suy nghĩ có thể làm mất thiện cảm, gây ra bất hoà. Một lời độc ác có thể làm tổn thương một tâm hồn. Một lời đúng lúc có thể mang lại bình an. Một lời yêu thương cỏ thể đem lại hạnh phúc thật sự. Và có những lời nó có thể cứu được một con người.

Nguyên tắc thứ 9: THẬT LÒNG LÀM CHO NGƯỜI KHÁC THẤY RẰNG HỌ QUAN TRỌNG
Nguyên tắc sâu xa nhất trong bản chất con người là sự thèm khát được khen ngợi. Ai cũng muốn được tán thành, được thừa nhận giá trị của bạn thân. Ai cũng muốn có cảm giác mình thật quan trong trong thế giới chật hẹp này. Vậy thì, hãy đối xử với người khác theo cách mình muốn được đối xử. Triết gia Emerson từng nói: “Mọi người tôi gặp trong đời đều hơn tôi ở một điểm  nào đấy và tôi học được điểm ấy của anh ta.” Hãy luôn dành lời khen ngợi chân tình đến người thân, bạn bè và nhân viên của mình.
Hãy luôn nhớ rằng:
Người có giá trị nhất là người giúp cho đồng loại mình học được nhiều nhất. Làm cho người khác cảm thấy họ quan trọng là một trong những cách thức hữu ích nhất để giúp họ sống và làm việc tốt hơn.
Lòng ham muốn được tỏ ra mình quan trọng là sự thôi thúc mạnh mẽ nhất trong bản chất con người – John Dewey

PS: Mình sẽ tiếp tục cập nhật thêm các bài học mới trong quá trình đọc lại quyển sách này.