NGUYỄN TRÚC CHI

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Nền tảng để kinh doanh thành công

Tối hôm qua nói chuyện với một bạn học viên của trường đang muốn khởi nghiệp kinh doanh. Bạn chia sẻ đã đọc sách về 10 doanh nhân thành đạt của Việt Nam từ năm lớp 10. Bạn nhận thấy rằng 80% doanh nhân  thành đạt không học qua trường lớp mà vươn lên từ những khó khăn trong cuộc sống, từ ý chí làm giàu và một chút may mắn. 



Còn mình quan niệm muốn thành công trong kinh doanh trước tiên cần có tố chất của người kinh doanh - tức bản năng kinh doanh. Đó là bản năng nhận định được một cách tự nhiên, nhanh chóng, chính xác về giá trị thực của một sản phẩm nào đó. Bản năng là sẵn có, nhưng nó có thể được cải thiện, mài giũa nếu bạn chịu khó rèn luyện. Hãy tận dụng mọi cơ hội, chú ý quan sát và thu thập thông tin để nâng cao óc phán đoán và khả năng nhận định của mình. 

Thêm vào đó, muốn chinh phục được thị trường, muốn tồn tại trong sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt hiện nay, bạn phải biết tính toán, nhìn thấu nếu không toàn bộ thì cũng là một phần sự được thua. Ít nhất bạn phải tính toán được sự lãi - lỗ thì mới nên xông pha thương trường.

Người kinh doanh thành công phải nhận định được cơ hội, những cũng phải biết chọn cơ hội cho mình: "Bỏ con săn sắt, bắt con cá rô" Đó là một nguyên tắc rất giản dị nhưng cực kỳ quan trọng. Đôi khi phải biết từ bỏ những lợi nhuận trước mắt, để đầu tư cho những mục tiêu dài hơi hơn. Bạn có thể kiếm được nhiều tiền từ những phi vụ làm ăn kiểu “ăn sổi ở thì”, nhưng để xây dựng sự nghiệp lớn và thương hiệu thì không chỉ cần đến tiền.

Thương trường như chiến trường. Đã không thắng thì chỉ có thua. Không có khái niệm nào khác ngoài “thành công” và “thất bại”. Điều quan trọng là phải theo đuổi đến cùng mục tiêu kinh doanh, đừng vì một vài thất bại ban đầu mà nản chí, bỏ ngang xương, khó đạt được thành quả lớn.


Để thành công trong kinh doanh phải có được 5 nguồn lực: nhân lực, trí lực, tâm lực, tài lực, vật lực. Trong 5 nguồn lực này thì yếu tố tiền chỉ đứng vai trò cuối cùng. Tài sản thật sự của doanh nghiệp chính đội ngũ nhân viên, trí phán đoán, tính toán của cả đội ngũ, sự nhiệt tâm cùng theo đuổi đến cùng mục tiêu kinh doanh và khả năng điều hành của người quản lý, cuối cùng mới tới tiền bạc, thiết bị... đầu tư vào kinh doanh.

Hôm qua, bạn học viên này cũng hỏi mình: Liệu những người học quản trị kinh doanh có thành công trong kinh doanh không? Như trên đã phân tích việc kinh doanh thành công cần tố chất, bản năng của người kinh doanh. Việc quản trị cũng vậy, không phải ai cũng có khả năng cầm quân, có thiên hướng lãnh đạo. Thời gian gần đây, việc dạy quản trị kinh doanh tràn làn từ các trường đại học. Mọi người đổ xô đi học để làm lãnh đạo. Kết quả, mình ngồi tuyển dụng nhân viên chỉ toàn hồ sơ xin làm quản lý, không có hồ sơ xin làm nghề. Nhưng thật buồn, để tuyển được quản lý biết việc, biết quản trị, hiểu chuyên môn không đơn giản. Nên mình ủng hộ việc hạn chế đào tạo ngành quản trị kinh doanh mà Bộ giáo dục đào tạo ban hành năm nay.

Thomas Rowe Price Jr. (1898-1983) là nhà sáng lập công ty đầu  tư T. Rowe Price, đồng thời được coi là cha đẻ của trường phái đầu tư tăng trưởng (growth investing). 

Ông cho rằng: “Mọi doanh nghiệp đều do con người tạo nên. Đó là thành quả của các cá nhân, phản ánh tính cách, triết lý kinh doanh của những người sáng lập nên công ty cũng như những người chèo lái công ty vượt qua các khó khăn trong quá trình tồn tại. Nếu bạn muốn hiểu bất kỳ một công ty nào, điều quan trọng là bạn cần phải hiểu về nền tảng của những con người đã lập nên công ty đó và lãnh đạo nó trong quá khứ, cũng như hy vọng và tham vọng của những người đang vạch ra tương lai cho nó”.



1 nhận xét: